top of page
Search

Định hướng nghề nghiệp

  • ktphuongthao
  • Dec 20, 2015
  • 3 min read

Tôi bắt đầu công việc mới - làm việc cho thành phố Seattle cách đây khoảng 3 tháng. Một trong những ưu điểm của thành phố là các chương trình huấn luyện, đào tạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thành phố có một đội ngủ tổ chức và giảng dạy các chương trình này. Nhân viên có thể đăng ký một buổi huấn luyện nào đó online, sau khi được sếp duyệt, thì cứ thế mà đi học.


Sáng nay, tôi đi dự buổi huấn luyện về định hướng nghề nghiệp. Buổi học kéo dài 4 tiếng và có nhiều bài tập rất thú vị. Bước đầu tiên trong định hướng nghề nghiệp là nhận biết bản thân mình là ai, có những tiêu chuẩn (values), kỹ năng (skills) và sở thích (interests) gì. Bài tập đầu tiên là tìm cho bản thân 5 tiêu chuẩn tiêu biểu trong danh sách 35 tiêu chuẩn. 5 tiêu chuẩn của tôi là:


(1) Cơ hội phát triển bản thân (Opportunities for personal growth). Tôi là người có óc tò mò và thích học hỏi. Mỗi lần học được một điều gì mới lạ, tôi đều cảm thấy vui. Vì vậy, tôi thích làm ở những nơi tạo điều kiện cho nhân viên có cơ hội tham gia các khóa học kỹ năng (skill training), huấn luyện chéo (cross-training), luân phiên công việc (job-rotation). Tôi có thể tiếp xúc với nhiều người mới, học tập kiến thức mới và thử thách bản thân trong một môi trường mới.


(2) Công việc có nhiều thách thức (Challenging work). Tiêu chuẩn này đi song song với tiêu chuẩn (1). Tôi thường cảm thấy chán nản nếu mỗi ngày đến công ty đều làm 1 công việc giống nhau như đặt hàng hóa, làm báo cáo, ghi sổ xách… Tôi thích làm việc theo dự án. Mỗi dự án bao gồm các yêu cầu (requirements), phạm vi (scope), thời hạn (schedule) và giải pháp (solutions) khác nhau. Vì thế, bản thân phải thường xuyên động não để giải quyết vấn đề.


(3) Môi trường làm việc hòa đồng và hỗ trợ lẫn nhau (harmonious and supportive environment). Tôi thích làm việc nhóm. Thông thường 1 nhóm người làm việc cùng nhau sẽ có những suy nghĩ, ý kiến và cách làm việc khác nhau. Vì vậy tranh cãi là chuyện không tránh khỏi. Tranh cãi để cùng nhau tiến bộ và đạt được hiệu quả tối ưu trong công việc chứ không phải để nói xấu và ganh ghét lẫn nhau. Mọi người có khuynh hướng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi họ có cùng một mục tiêu.


(4) Được tín nhiệm (being recognized). Mỗi khi làm tốt công việc, tôi muốn được đồng nghiệp hay sếp nhận biết và khen ngợi. Sau một thời gian liên tục làm tốt công việc, tôi muốn mình được khen thưởng bằng các hình thức như thưởng cuối năm (bonus), tăng lương, lên chức hoặc được bổ nhiệm vào một dự án quan trọng…Đây là một trong những động lực giúp tôi cố gắng hơn trong công việc.


(5) Ổn định (having stability). Ở Mỹ rất nhiều người làm nghề tự do hay các công việc ăn tiền hoa hồng. Những người này có thể tự do quyết định giờ giấc làm việc, cách làm việc, thu nhập hàng tháng cho bản thân…Có lẽ do là người Việt Nam thích được ổn định, tôi muốn một cuộc sống trình tự, quy củ. Vì vậy công việc của tôi cần phải có thời gian biểu và thu nhập nhất định.


Ngoài các tiêu chuẩn trên, còn có các tiêu chuẩn khác như:

  • Công việc có ý nghĩa (meaningful work): làm giáo viên

  • Cùng gia đình và bạn bè (spending time with family/friend): mở tiệm kinh doanh gia đình với người nhà.

  • Được mọi người ưa thích (being well liked)

  • Có tính đổi mới và sáng tạo (being creative or innovative): làm việc trong bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D)

  • Có chức vụ và địa vị cao (having prestige and status)

  • Có tiềm năng kiếm được thu nhập cao (having high earnings potential)

  • Làm việc độc lập (having independence)

  • Có tính cạnh tranh (competing)...


Roy Disney nói: "Không khó để quyết định một khi bạn biết được tiêu chuẩn của bản thân". Vì thế xác định tiêu chuẩn là bước đầu tiên để tìm cho mình một công việc mơ ước.



 
 
 

Comments


© 2023 By Henry Cooper. Proudly created with Wix.com

bottom of page